Vì xét đến cùng, giám sát của HĐND là để lắng nghe tâm tư, tình cảm, ý nguyện chính đáng của người dân; là học tập trí tuệ của nhân dân nhằm hoàn thiện các chính sách; hoàn thiện công tác tổ chức, lãnh đạo của chính quyền các cấp. Qua đó, quay trở lại phục vụ nhân dân, huy động, cổ vũ sức mạnh tổng hợp của mọi giai tầng xã hội, góp phần phát triển Kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Giám sát của HĐND còn là sự khái quát, phản ánh hiện thực khách quan của cuộc sống, là những minh chứng sinh động trong công tác xây dựng, điều chỉnh chính sách, xây dựng nghị quyết HĐND phù hợp, khả thi, đi vào cuộc sống. Giám sát có tác dụng như một biện pháp ngăn ngừa sai phạm, khác với công tác thanh tra là đưa ra kết luận bằng các số liệu cụ thể, có vi phạm pháp luật hay không và xử lý theo các chế tài do pháp luật quy định. Không phải bất kỳ cuộc giám sát nào cũng phải “có vấn đề” và kết luận có vi phạm pháp luật mà đây là hoạt động mang tính chất thường xuyên, nhất là những lĩnh vực “nhạy cảm” hoặc có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài chính, y tế , giáo dục… Hoạt động giám sát có tính đôn đốc, thúc giục rất cao để các ngành hữu quan, các địa phương làm tốt hơn, đầy đủ, kịp thời hơn chủ trương, đường lối của đảng, chế độ, chính sách của nhà nước. Còn nơi nào, tổ chức, cá nhân nào có dấu hiệu, biểu hiện làm trái, không tuân thủ quy định của pháp luật, HĐND trước hết sẽ cảnh báo, nhắc nhở và báo cáo tình hình đến cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, theo cách nói dân gian là “phòng bệnh hơn trị bệnh”.

Khảo sát tình hình đời sống người dân tộc thiểu số ở đê Biển Tây, Khánh Hội, U Minh
Giám sát còn thể hiện tính dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và nó mang tính nhân văn cao cả cho dù kết quả giám sát là những kiến nghị và xem xét các kiến nghị cũng mang tính “tự nguyện” chứ chưa có chế tài nào quy định xem xét việc giải quyết các kiến nghị, trừ khi HĐND ra nghị quyết về việc giải quyết các kiến nghị nhưng việc ra nghị quyết như vậy là việc làm “bất đắc dĩ” đối với HĐND. Và thực tế các nhiệm kỳ đã qua của HĐND tỉnh Cà Mau, chưa có Nghị quyết nào về việc giải quyết các kiến nghị qua hoạt động giám sát.
Để hoạt động giám sát ngày một tốt hơn thì cả bên giám sát và bên chịu sự giám sát cần nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó. Bên giám sát cũng không nên mang tính “moi móc”, “vạch lá tìm sâu” để tìm cách quy trách nhiệm, mà hãy xem hoạt động này là một hình thức xây dựng để bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Và bên chịu sự giám sát cũng không cần phản ứng mang tính đối phó, nên có tinh thần cầu thị, trách nhiệm, cộng tác, coi giám sát là tấm gương phản chiếu kết quả hoạt động của mình để qua đó phát huy những thành tựu đạt được và điều chỉnh, sửa chữa kịp thời những yếu kém, hạn chế.
Hoạt động giám sát chỉ có thể có ý nghĩa thực sự và hiệu quả cao khi các cơ quan, các cấp, các ngành, đại biểu HĐND và cử tri hiểu được ý nghĩa cao cả, nhân văn và thể hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệt tình với hoạt động này.


Hoàng Hiền